Chế phẩm sinh học làm sạch môi trường

Probiotics - “Bạn thân” của sức khỏe

Từ năm 2001 tại Argentina, WHO(Tổ chức Y tế Thế giới) đã có báo cáo về kết quả của dự án hợp tác nghiên cứu về Probiotics với FAO(Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc) khẳng định Probiotics đóng vai trò rất quan trọng trong các chức năng miễn dịch, tiêu hóa và hô hấp đồng thời có tác dụng làm giảm nguy cơ các bệnh viêm nhiễm ở trẻ em.

Vậy Probiotics là gì? Ts. Bs Nguyễn Hữu Toản, Nguyên trưởng Khoa dinh dưỡng và Lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy đã có thông tin chia sẻ về vấn đề này:

- Thời gian gần đây chúng ta đã nghe nói nhiều về Probiotics và những tác dụng tích cực của nó. Vậy thưa bác sỹ, thực chất Probiotics là gì ạ?

Thực ra dù mới chỉ nhận được sự chú ý gần đây, nhưng Probiotics lại hoàn toàn không xa lạ đối với chúng ta. Trong cơ thể con người, lượng vi khuẩn trong hệ tiêu hoá nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào, bao gồm cả vi khuẩn xấu và vi khuẩn tốt.

Các vi khuẩn tốt này được gọi là lợi khuẩn - Probiotics, và có vai trò rật quan trọng giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn, đồng thời tạo kháng thể giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Ngoài việc tồn tại trong cơ thể người, Probiotics còn có rất nhiều trong một số dòng thực phẩm nguồn gốc tự nhiên khác - mà sữa chua là một ví dụ tiêu biểu.

- Nếu Probiotics luôn có sẵn trong cơ thể con người, tại sao chúng ta phải bổ sung thêm từ các nguồn ngoài?

Tỷ lệ vi sinh lý tưởng nhất trong hệ tiêu hóa của con người là lợi khuẩn chiếm 85% và hại khuẩn chỉ chiếm 15%. Tuy nhiên, sự cân bằng này rất dễ bị phá vỡ do nhiều nhân tố khách quan khó kiểm soát được từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, ăn uống thiếu dinh dưỡng, và căng thẳng tâm lý (stress). Khi đó, vi khuẩn gây hại sẽ chiếm ưu thế, và làm xuất hiện thêm nhiều bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, tiêu ra máu … Do đó, trong cuộc sống hiện đại chúng ta càng phải quan tâm bổ sung Probiotics từ các nguồn ngoài, để qua đó luôn duy trì hệ vi sinh ở mức lý tưởng.

Đa số người Việt Nam (và toàn bộ những nước Đông Á khác) bẩm sinh thiếu men ruột (enzyme) beta-galactosidase, khiến đường lactose trong sữa không được tiêu hóa, nên khi dùng sữa và các chế phầm từ sữa sẽ bị đau bụng, chướng bụng nôn ói, tiêu chảy. Do đó, họ phải chấp nhận bỏ qua nguồn canxi và khoáng chất rất giàu trong sữa.

Việc bổ sung hàng ngày lợi khuẩn Probiotics thuộc dòng Streptococcus Themophilus và Latobacillus Bulgaricus sẽ giúp chuyển hóa lactose, làm giảm gần như hoàn toàn những triệu chứng cơ thể không chấp nhận được lactose. Hai dòng Probiotics này lại được xem là cơ bản trong một sản phẩm chuyển hóa trung gian từ sữa là sữa chua, vậy nên có thể xem sữa chua là giải pháp canxi hàng ngày cho những người không uống được sữa.

- Bác sĩ có thể cho biết thêm một số tác dụng tích cực lên sức khỏe khi duy trì tỷ lệ Probiotics ở mức cân bằng?

Đầu tiên phải kể tới là tác dụng tăng cường miễn dịch của Probiotics. Có tới 70%-80% các yếu tố miễn dịch của cơ thể người được sản xuất tại ruột, bao gồm các kháng thể và các globulin miễn dịch như IgG,IgE,IgM… Ngoài việc đóng vai trò là lá chắn đầu tiên chống lại các hại khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào, khi được duy trì ở tỷ lệ lý tưởng lợi khuẩn Probiotics còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất các yếu tố miễn dịch nói trên.

Thứ hai, nhưng cũng không kém phần quan trọng là vai trò của lợi khuẩn Probiotics trong quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Ở tỷ lệ 85% lợi khuẩn -15% hại khuẩn, các lợi khuẩn trong cơ thể sẽ chủ động cạnh tranh chất dinh dưỡng với hại khuẩn, giúp cơ thể hấp thu tối đa dưỡng chất từ các nguồn thức ăn được nạp vào. Ngoài ra, một số dòng lợi khuẩn còn chủ động hấp thu bớt các chất độc đối với cơ thể có trong thức ăn, từ đó giảm nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, còn phải kể đến những tác dụng phòng bệnh đã được chứng minh khác của Probiotics như làm giảm triệu chứng (đau quặn, mót rặn, phân có máu, nhày…) của hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS), hay hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn ruột sản sinh ra các enzyme chuyển tác nhân tiền ung thư (Precarcinogens) thành những tác nhân có hoạt tính gây ung thư (Active carcinogens). Bản thân các tác nhân này sẽ tích tụ lại trong cơ thể khi phân chậm thải (bị táo bón). Mà tình trạng táo bón lại có thể được khắc phục qua việc lấy lại cân bằng vi sinh – nghĩa là bổ sung Probiotics

- Vậy thưa bác sĩ, chúng ta nên có chế độ bổ sung Probiotics thế nào cho hợp lý đối với cơ thể?

Hiện trên thị trường đang tồn tại khá nhiều các chế phẩm giúp bổ sung Probiotics. Tuy nhiên, khi sử dụng nên đọc kỹ thành phần, và chọn dùng những loại có chủng vi khuẩn đã được nghiên cứu nhiều như dòng Lactobacillus (L. Casei, L.Rhamnosus, L. Acidophilus, L. Bulgaricus, L. Bifidus…) Các chủng Probiotics bổ sung vào cơ thể còn cần có tác dụng hiệp đồng, như Lactobacillus (tác động chủ yếu trên ruột non) và Bifidobacterium (tác động trên ruột già).

Cần chú ý là trước khi vào đến nơi cần đến là đường ruột, các chế phẩm chứa lợi khuẩn Probiotics sẽ phải đi qua môi trường dịch vị có tính acid cao, và các vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm cũng dùng chiêu thức bổ sung Probiotics để quảng cáo, nhưng lại không chỉ ra cụ thể được là bổ sung bao nhiêu. Vậy nên khi mua cần xem kỹ thành phần và chọn chế phẩm có đủ các vi khuẩn với hàm lượng cao (hàng tỷ vi khuẩn/1g) để hạn chế bớt sự hủy hoại của dịch vị thì mới có tác dụng.

Nếu có nhu cầu sử dùng hàng ngày, bạn nên chọn các nguồn cung Probiotics là thực phẩm để vừa giảm khả năng lợi khuẩn bị tiêu diệt trong quá trình tiêu hóa, vừa bổ sung được thêm các dưỡng chất cho cơ thể. Trên quan điểm này, khoảng 2 hũ sữa chua mỗi ngày sau các bữa ăn là lựa chọn hợp lý.

Cách sử dụng các nguồn bổ sung Probiotics tích cực cho cơ thể
  • Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên
  • Sử dụng chế phẩm có hàm lượng vi khuẩn cao (hàng tỷ vi khuẩn/1g)
  • Sử dụng sau khi đã ăn no nhằm giảm bớt sự hủy hoại của acid dịch vị.
  • Nên chọn dùng các nguồn vừa bổ sung Probiotics vừa là thực phẩm để nạp thêm dưỡng chất cho cơ thể (như sữa chua).